Cây Cầy (Kơ nia) có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây Cầy phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ và còn mọc ở các đảo Phú Quốc, Côn Đảo nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.
1. Giới thiệu chung về cây Cầy (Kơ nia)

– Tên phổ thông: cây Cầy
– Tên khác: Kơ nia, cây Cốc
– Tên khoa học: Irvingia malayana Oliv. ex Benn
– Họ thực vật: Kơ nia Irvingiaceae
– Nguồn gốc: ở châu Phi và Đông Nam Á
2. Tìm hiểu đặc điểm của cây Cầy
▼ Đặc điểm hình thái cây Cầy

– Là cây gỗ lớn, thường xanh, cao từ 15-30m với đường kính thân 40-60cm
– Gốc thường có khía, bạnh vè. Vỏ thân màu nâu hồng hay xám hồng, bong thành mảng rất nhỏ, thịt vỏ dày 6cm, có sạn màu vàng
– Tán cây Cầy hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm có nhiều cành con màu nâu, nhiều bì khổng
– Lá đơn mọc chụm ở đầu cành, mặt trên lá có màu xanh bóng, mặt dưới màu xanh nhạt. Phiến lá hình trái xoan, dài từ 9-11cm, rộng 4-5cm, gân bên có từ 10-11 đôi. Điều đặc biệt khi non lá có màu tím nhạt, cuống lá dài 1-1,2cm.
– Cụm hoa Cầy có dạng chùm, mọc ở nách lá. Hoa nhỏ, màu trắng, có từ 4-5 cánh. Nhị có triền bao xung quanh, bầu 2 ô
– Quả hình trái xoan, dài khoảng 3-4cm, rộng 2,5-2,7cm, khi chín quả có màu vàng nhạt. Mỗi quả chứa một hạt
▼ Đặc điểm sinh thái, sinh lý cây Cầy

– Mùa hoa tháng 5 – 6, mùa quả tháng 9 – 11. Cây tái sinh bằng chồi và hạt.
– Cây có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, có nhiều rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão
– Cây cũng có khả năng chịu hạn tốt do rễ cây khi mọc sẽ ăn sâu xuống đất và tỏa ngang bám dưới lòng đất đi tìm nguồn nước
– Cây Cầy mọc trong rừng mưa nhiệt đới thường xanh hay rừng cây nửa rụng lá, ít gặp trong rừng thưa.
– Khi nhỏ cây ưa bóng và chỉ tái sinh dưới tán rừng
– Phân bố từ Quàng Nam – Đà Nẵng đến Nam Bộ, tập trung nhiều ở Tây Nguyên
3. Tác dụng của cây Cầy

– Ý nghĩa cây Cầy: loài cây này mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi chặt phá cây. Chính vì thế trên nương rẫy của họ thường có nhiều cây Cầy cổ thụ để che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.
– Ở miền bắc, cây thường được trồng làm cây cảnh quan tạo bóng mát, cây công trình
– Gỗ có màu vàng nhạt, rất cứng nên ít được sử dụng nhiều trong xây dựng và chế tạo đồ nội thất
– Ngoài tác dụng làm cây công trình thì cây Cầy còn có tác dụng làm thuốc chữa no hơi, đầy bụng, trừ sốt rét rừng, chói nước. Vỏ thân được dùng làm thuốc cho phụ nữ mới sinh giúp bổ huyết.
– Ở Quảng Nam, ngày xưa người dân dùng gỗ cây để đóng cối xay lúa, lầm đồ dùng nội thất
– Quả của cây Kơ nia chín rụng xuống, có vị ngọt, ăn ngon và nhân hạt cũng ăn được
– Hạt cho dầu màu trắng hoặc vàng, mùi dễ chịu, dùng làm xà phòng hoặc dầu thắp đèn
4. Lưu ý cách chăm sóc cây Cầy

– Cần trồng cây ở nơi có nhiều nắng và ánh sáng tự nhiên để cây có thể sinh trưởng và phát triển một cách tốt nhất. Đây chính là yếu tố quyết định khoảng sức sống của cây
– Do cây Cầy là giống cây chịu được hạn, không ưa nhiều nước nên chỉ cần tưới khi đất thật sự khô hoặc trời hạn lâu ngày. Lượng nước trên mỗi lần tưới cũng không nên quá nhiều, chỉ cần vừa đủ để đất ẩm là được, nếu trời mưa thì không cần tưới.
– Nên bón bổ sung thêm phân và vôi để cân bằng độ pH và chất dinh dưỡng với một số loại đất chua hoặc đất mặn
– Các cành nhánh và tán của cây có thể phát triển nhanh vì thế nên thỉnh thoảng cắt tỉa cành thừa để tán cây trông đẹp hơn,cây phát triển tốt hơn